Văn hóa - Xã hội Vĩnh_Tường

Thời kì tiền sử

Qua nhiều cuộc khai quật khảo cổ, đã xuất lộ nhiều di chỉ của người Việt trên đất Vĩnh Tường. Các di vật đào được đã minh chứng các di chỉ Lũng Hòa, Nghĩa Lập, Đồng Hương, Ma Cả, Gò Mát thuộc thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên, mở đầu cách đây vào khoảng 4000 năm, là thời kì văn hóa đồng thau phát triển rực rỡ trên đất Vĩnh Phúc.

Điểm đáng chú ý là trong tổng số 18 di chỉ văn hóa thời Phùng Nguyên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc đã được phát hiện và công bố, riêng huyện Vĩnh Tường đã có 07 di tích, trong đó di chỉ Lũng Hòa là điển hình nhất. Đó là di chỉ cư trú và mộ địa lớn, công cụ văn hóa thu được gồm có rìu bôn, đục, hoa tai, hạt chuỗi đá. Nhiều hiện vật gốm nguyên vẹn.

Trong đợt khai quật năm 1965, đã thu lượm được tổng số hiện vật đá là 430, hiện vật gốm nguyên là 89 trong đó có 21 nồi, 10 bát, 17 dọi xe sợi, 22 chạc gốm, cùng 12.642 mảnh gốm các loại. Phần lớn là loại gốm thô, hoa văn trang trí tiêu biểu cho giai đoạn muộn của văn hóa Phùng Nguyên. Cũng phát hiện được khá nhiêu xương răng, xương động vật, trong đó có xương gia súc như chó, lợn, trâu, bò, gà…

Thời kì sơ sử (văn hóa Đông Sơn)

Sau giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, trong hơn 20 di chỉ đã xuất lộ ở xã Nghĩa Lập phát hiện được 02 chiếc mai đá kích thước lớn thuộc thời đại kim khí. Đó là thời đại có cơ sở vật chất hạ tầng để hình thành nhà nước Văn Lang thống nhất 15 bộ cùng trong cộng đồng lãnh thổ, thời của các vua Hùng dựng nước (cách 700 năm trước công lịch).

Nhiều địa phương thuộc huyện Vĩnh Tường hiện đang còn lưu giữ rất nhiều di tích thờ cúng các vua Hùng và các vị tướng lĩnh thời Hùng Vương gắn với phong tục tập quán cùng các lễ hội cổ truyền.

Xã Bồ Sao, Việt Xuân có đền thờ vị thần là con thứ 25 của Lạc Long Quân và âu Cơ, đã có công trị thủy ở cửa sông Lô, sông Đáy bảo vệ làng xóm, ruộng đồng. Hội làng nơi đây có tục “tung bông”, "tung gươm" tính giao lưỡng hợp, rước bó mạ và hội xuống đồng (thời có chữ Hán gọi là "hạ điền") trước cửa đền vào tháng 05 mở đầu mùa mưa thuận lợi cho cấy trồng cây lúa nước.

Xã Đại Đồng (gồm cả 02 làng Bích Đại - Đồng Vệ) thờ vị Thành Hoàng làng là tướng Đinh Thiên Tích, theo bản khai sự tích của làng, ông là vị tướng ở thời Hùng Vương thứ 06, có công đánh đẹp giặc ân dưới thời Hùng Huy Vương. Trong làng còn giữ được nhiều tục cổ không bị phong kiến hóa như không phải kiêng kị gì khi làm ăn, khi đọc nói, không có tế lễ gì riêng. Về húy của Thành Hoàng, trong khi tế lễ có ai nhầm lỗi điều gì thì xưa nay dân làng cũng châm chước không có phạt vạ gì.

Ở Vĩnh Tường còn có hội "tung vông" để cầu đinh, tục hội "trâu rơm, bò rạ" đều diễn ra trong tháng giêng của năm để cầu mùa. Tục thờ sinh thực khí nam như thờ cây dứa dại ở đền ông; và 07 viên đá ở miếu Bà thuộc về xã Tứ Trưng; Những tục hội như "kéo co", “hú đáo” ở xã Lũng Hòa, hội bắt vịt trong ao, bắt chạch trong chum ở Tứ Trưng, Thượng Trưng, lễ cầu tằm ở Vĩnh Ninh, Bàn Mạch, tục săn Cuốc ở làng Huy Ngác, múa đao đánh gậy ở Tam Phúc, Tứ dân chi nghiệp ở Đại Đồng, Lễ hội xuống đồng ở Hoàng xá, thi bơi chải ở Phú Đa, thi vật ở Nghĩa Hưng, Yên Bình…Đó đều là những dấu ấn mang đậm nét văn hóa.

Các thời kì sau

Nền kinh tế nông nghiệp và xã hội huyện Vĩnh Tường phát triển liên tục và bền vững trong bối cảnh quốc gia ngày càng cường thịnh. Xã hội nông nghiệp trong nhiều trăm năm đã sớm hình thành các vùng chuyên canh theo diện mạo thổ nhưỡng và quy luật cung cầu, làm thành những vùng có "đặc sản" như xã Thượng Trưng, Tuân Chính có đầm sen, hoa sen, hạt sen; xã Bồ Sao, Hòa Loan có củ đậu; làng Đông Viên Thổ Tang, Cam Giá có dưa hấu, cà xanh.

Từ kinh tế làng nghề, chợ búa xuất hiện. Huyện Vĩnh Tường xưa có các chợ lớn chép trong sách Địa chí như: Chợ Thổ Tang (tục gọi chợ Giang), xuất xứ là chợ chuyên mua bán trâu bò ở xã Thổ Tang; Chợ Vòng ở làng Tuân Lộ (nay thuộc xã Tuân Chính); Chợ Me ở làng Phủ Yên (nay thuộc xã Yên Lập); Chợ Trục ở làng Hưng Lục (nay thuộc xã Nghĩa Hưng); Chợ Chùa ở làng Kiên Cương (nay thuộc xã Ngũ Kiên); Chợ Rưng thuộc làng Văn Trưng (xã Tứ Trưng). Chợ tường thuộc làng Dẫn Tự xã Tân Cương; Chợ Đa thuộc xã Phú Đa; Chợ Điền thuộc làng Lương Điền xã Bình Dương; Chợ Kiệu thuộc làng Hưng Lại xã Chấn Hưng…

Trên bình diện của đời sống xã hội vùng "đỉnh" châu thổ ấy, Vĩnh Tường thực sự là điểm “tụ nhân” sơ khai khi con người đến khai thác đồng bằng Bắc Bộ. Ấy là nói (và viết) theo như thuật ngữ "địa linh", để rồi bồi tụ nên lớp trí thức Vĩnh Tường qua các đời, mà trở thành các "nhân kiệt" vùng này:

Hiện nay trong huyện còn 155 di tích. Trong đó có 55 ngôi đình, 67 ngôi chùa. Sổ còn lại là đền, miếu.Đã có 18 di tích xếp hạng di tích cấp Quốc gia.

Về kiến trúc, đặc biệt có ngôi đình Thổ Tang, chùa Hoa Dương (Tuân Chính) và ngôi đền đá Phú Đa là đặc sắc nhất.

Đình Thổ Tang: Xây dựng vào thế kỷ 16. Cấu trúc theo lối chữ "Đinh", phần thượng cung không còn, nay chỉ còn lại một tòa đại đình có năm gian hai dĩ, theo kiểu "tú trụ làng thuyền" với 60 chiếc cột. Đường kính của các cột cái là 0,8m của cột quân là 0,61m. Toàn công trình có chiều dài 25,8m, rộng 14,2m. Nền đình bó bằng đá xanh xung quanh.

Trong đình hiện còn 21 bức trạm gỗ có giá trị cao về văn hóa và nghệ thuật. Nhất là bức “ngày hội xuống đồng”, “bắn hổ” “đá cầu”, “đánh gen”...miêu tả khá khái quát các sinh hoạt xã hội của nông thôn thời kỳ ấy.

Chùa Hoa Dương (Tuân Chính) được xây dựng năm Chính Hòa thứ nhất (1680) theo lối kiến trúc chữ (I). Chùa có 7 gian, thượng điện 5 gian; tiền đường, nhà cổ 3 gian. Hai bên hành lang có 15 gian làm nơi đón tiếp và dừng chân cho du khách thập phương.

Theo truyền thuyết kể lại, đây chính là khu đất có địa thế hình con Rùa. Ở chùa Hoa Dương nghệ thuật điêu khắc được chú ý tới từng đường nét, từng chi tiết. Các phù điêu trên gỗ, đá, đồng hầu như còn giữ nguyên vẹn; hai mươi bộ hoành phi câu đối, mười tám bộ cuốn thư, trương nhĩ, cửa khám, nghi môn, tòa Cửu Long…Mang đậm nét kiến trúc dân gian phải kể đến cây hương cổ bằng đá, có chiều cao 1,70 được lập năm Chính hòa (1680). Đặc biệt là quả chuông đồng được đúc vào năm Minh mạng thứ bảy (1826) phản ánh trình độ nghệ thuật cũng như kỹ nghệ đúc đồng của ông cha ta.

Đền đá Phú Đa: Gọi là đền đá vì vật liệu chủ yếu xây dựng là đá xanh và gỗ lim. Dựng vào đời vua Lê Cảnh Hưng (1740- 1786).

Đền gồm 02 tòa nhà song song xếp theo hình chữ “nhị”. Đây là ngôi đền còn nhiều di vật đá nhất trong số các di tích của tỉnh Vĩnh Phúc. Có tới 48 tác phẩm bằng đá, được sắp xếp theo yêu cầu thờ tự. Từ cổng đền, qua sân đền tới nhà tiền đường rồi nhà thờ chính như cột trụ, chó đá, rồng đá, tượng võ sĩ bằng đá, ngựa đá, voi đá, sư tử đá, chậu đá, bàn tẩn đá, án gian đá, bát hương đá, bia đá, xập đá, ngai thờ…tất cả đều làm bằng đá. Với mức độ đục chạm công phu, tỉ mỉ bằng những đường nét tuyệt đẹp đáng kể nhất như các ngôi tượng võ sĩ, tượng voi đứng chầu ở sân đền.

Trong thời kỳ Pháp thuộc, văn hóa Vĩnh Tường hết sức trì trệ, lạc hậu. Sau cách mạng tháng Tám, thực hiện đời sống mới, các hủ tục ma chay cưới xin được đơn giản hóa. Tệ nạn hút thuốc phiện bị nghiêm cấm. An ninh, trật tự làng xóm được tăng cường. Hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng rất phong phú. Đây là nét đẹp trong đời sống văn hóa của nhân dân dưới chế độ mới.

Sang những năm 1947- 1948, hoạt động văn hóa thông tin được phát triển lên một bước mới. Huyện chỉ đạo in ấn các bản tin phát cho cơ sở, kẻ vẽ nhiều khẩu hiệu, áp phích cổ động các phong trào thi đua trong công cuộc củng cố xây dựng chính quyền. Phòng thông tin huyện xuất bản các bản tin hàng tháng, nhiều xã ra báo tường phản ánh các hoạt động của địa phương. Đặc biệt, các đội văn nghệ với các vở diễn theo tích tuồng, chèo cổ và tự biên, phản ánh đời sống, sản xuất ở các xã, được nhân dân nồng nhiệt hưởng ứng. Tuy trong những năm chiến đấu chống giặc Pháp tái chiếm, nền văn hóa có trầm lắng xuống vì phải tập trung sản xuất và chiến đấu bảo vệ xóm làng chống lập tề, các cơ quan cấp huyện phải lui vào hoạt động bí mật hoặc di tản đến vùng tự do. Song văn hoá cách mạng và kháng chiến vẫn không ngừng mạch chảy, mà tập trung cao độ vào phục vụ chiến đấu, với bộ đội địa phương đại đội Lê Xoay làm tiêu biểu.

Hòa bình lập lại, văn hóa Vĩnh Tường bắt đầu khởi sắc nhưng chủ yếu tập trung vào chủ đề xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống Mỹ ngụy ở miền Nam.

Trong thời kỳ chống Mỹ, việc xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh được chú trọng. Ngay từ cuối năm 1954, phong trào xây dựng đời sống mới văn minh được nhân dân hưởng ứng đông đảo. Một số xã lập đội văn nghề, tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân. Trong năm 1959, huyện thành lập được hai đội văn nghệ nghiệp dư ở xã Đội Cấn và xã Thái Học. Các đội đã xây dựng chương trình đi biểu diễn phục vụ nhân dân trong huyện. Nhiều xã khác cũng quan tâm chỉ đạo thành lập đội văn nghệ quần chúng để tổ chức hoạt động vào các dịp lễ lớn.

Giai đoạn Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, hoạt động văn hóa tinh thần của huyện vẫn được quan tâm. Nhiều xã và hợp tác xã xây dựng phòng đọc sánh, tạo nên phong trào đọc và làm theo sách báo. Riêng trong năm 1967 có 110.000 cuốn sách và 387 tờ báo các loại được đưa về các xã và hợp tác xã. Ngành chiếu bóng tích cực phục vụ nhân dân. Năm 1968, chiếu 552 tối cho 448.616 lượt người xem. Phong trào văn nghệ quần chúng cũng phát triển khá mạnh. Năm 1968, toàn huyện có 20 đội văn nghệ, 30 nhóm ca hát, 35 câu lạc bộ hoạt động thường xuyên. Đến cuối năm 1971, toàn huyện đã có trên 3.000 hộ đăng ký phấn đấu trở thành gia đình văn hóa.

Sau khi đất nước thống nhất (1975), hoạt động văn hóa văn nghệ càng có điều kiện phát triển. Cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa kết hợp với phong trào thể dục thể thao như bơi lội, bóng chuyền, bóng đá mở rộng trong các địa phương. Năm 1985, huyện Vĩnh Lạc (nay là Vĩnh Tường và Yên Lạc) đã tổ chức Đại hội Thể dục thể thao ở cơ sở, tạo không khí phấn khởi trong nhân dân, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên.

Hiện nay, công tác Văn hóa - Thông tin huyện Vĩnh Tường ngày càng phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ; mỗi xã, thị trấn đều chọn từ 1 đến 2 thôn làng, tổ dân phố làm điểm, khi có kết quả tốt sẽ nhân ra toàn xã. Đến hết năm 2010, toàn bộ các xã, làng chỉ đạo điểm đều đạt tiêu chuẩn làng văn hoá, góp phần quan trọng vào công tác phát triển phong trào ở 29/29 xã, thị trấn, đưa số hộ gia đình, thôn đạt tiêu chuẩn văn hoá tăng dần lên hàng năm.

Về xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao: 100% xã, thị trấn đã dành đất cho các thiết chế văn hoá, thể thao.

Bên cạnh các giá trị văn hóa hiện đại, các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy. Toàn huyện hiện có 155 di tích, trong đó 18 di tích xếp hạng cấp Quốc gia; 33 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Các di tích, lễ hội dân gian truyền thống đều được bảo tồn, các di tích lịch sử văn hoá được tăng cường kiểm tra, hướng dẫn quản lý, bảo quản, chống xuống cấp kịp thời. Nhiều di tích được nhân dân đóng góp xây dựng với số vốn lớn như chùa Tùng Vân (Thổ Tang) gần 5 tỷ đồng, chùa Vân Ô (Vân Xuân) hơn 3 tỷ đồng, chùa Hoà Lạc (Tân Cương) hơn 20 tỷ…